Hoạt động gây tranh cãi Nguyễn Lân

Phê phán Giáo sư Trần Đức Thảo và Giáo sư Trương Tửu.

  • Ông góp phần phê phán Giáo sư Trương Tửu và Giáo sư Trần Đức Thảo trong chiến dịch Nhân văn Giai phẩm. Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, Trần Đức Thảo bị mất chức Phó Giám đốc trường ĐHSP Hà Nội, chức Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả ĐHSP và ĐHTH Hà Nội, Trần Ðức Thảo bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, cuộc sống bị cô lập. Trương Tửu bị buộc phải thôi việc.[8][9]:

Sở dĩ có những lệch lạc ở một số sinh viên khoa Văn và khoa Sử là vì họ đã chịu cái ảnh hưởng tàn khốc của Trương Tửu và Trần Đức Thảo...Nhà trường đòi hỏi các cán bộ giảng dạy trước khi lên lớp phải soạn giáo trình và giáo án; nhưng Tửu và Thảo thì không chịu viết giáo trình, lấy cớ là môn mình phụ trách khó quá chưa thể cho in thành tài liệu được. Sự thực là họ sợ mực đen giấy trắng dễ biểu lộ những tư tưởng phản động của họ. Họ thường tay không lên lớp rồi nói lung tung, không theo một phương pháp sư phạm nào. Vì không có giáo án nên đã có lần Trương Tửu không chuẩn bị, phải nhai lại một bài đã giảng kỳ trước, làm cho sinh viên hết sức công phẫn. Cũng vì không chuẩn bị nên Trần Đức Thảo giảng rất khó hiểu, nhiều sinh viên đã phàn nàn là không hiểu y muốn nói gì. Có người tưởng rằng y dạy khó hiểu là vì y dạy cao quá. Sự thực thì dù nội dung có cao, có sâu đến đâu mà nắm vững phương pháp sư phạm, người ta vẫn có thể giảng một cách dễ hiểu được. Còn như định tâm nói ra những ý phản động lại dùng chủ nghĩa Mác Lê-nin để làm cái bình phong thì tất nhiên phải diễn đạt một cách úp úp, mở mở, nên giảng khó hiểu không phải là lạ lùng gì!

Một yêu cầu quan trọng mà nhà trường đề ra là giáo sư lên lớp phải quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng cho sinh viên, phải khiến cho sinh viên thấm nhuần chủ nghĩa xã hội khoa học, dùng chủ nghĩa duy vật biện chứng mà giải thích mọi hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội, đứng trên lập trường Đảng, lập trường của giai cấp vô sản mà nhận định mọi vấn đề. Đó là điều tâm niệm của mọi cán bộ giảng dạy yêu nước, yêu nghề và tự trọng. Nhưng Trương Tửu và Trần Đức Thảo thì ngược lại, chỉ âm mưu dùng cái diễn đàn của trường đại học để đả kích chế độ, đả kích Đảng và xuyên tạc chân lý. Thí dụ: Tửu đã say sưa giảng về Vũ Trọng Phụng để chứng minh rằng Vũ Trọng Phụng sáng suốt hơn Đảng. Còn Thảo thì trong hai năm dạy lịch sử tư tưởng chỉ cố ý dừng lại ở Hê-ghen, không hề giảng đến Mác, Thảo luôn luôn dùng cái "hạt nhân duy lý" để xóa nhòa ranh giới giữa duy vật và duy tâm, xóa nhòa ranh giới giữa ta và địch. Quả là Tửu và Thảo đã dụng tâm làm tan rã lòng tin tưởng của sinh viên vào Đảng, vào chế độ.

  • Về sau, Nguyễn Lân tỏ ra ân hận về những phê phán của mình đối với Giáo sư Trần Đức Thảo, sau khi ông Trần Đức Thảo nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cấp cao nhất của nhà nước Việt Nam. Ông không xin lỗi Trương Tửu.[10]

Cả đời tôi sống thanh bạch, không làm điều gì để trái với lương tâm, chỉ có hai điều tôi cứ ân hận mãi. Một là tôi được các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến tận nhà thăm hỏi, những do tuổi cao, đi lại không thuận tiện nên chưa lần nào đến nhà đáp lễ được. Điều thứ hai là, năm 1957, hồi tôi là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, được tổ chức phân công cuộc họp phê phán ông Trần Đức Thảo, một nhà triết học rất uyên bác. Là nhiệm vụ trên giao, tôi không thể không thực hiện, mà trong lòng thấy ân hận vô cùng. Rất mừng, năm 2000 các công trình nghiên cứu của GS Trần Đức Thảo được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh”.[2]

Những sai lầm khi biên soạn từ điển

Nguyễn Lân nghỉ hưu năm 1967, từ đó ông dành tâm huyết cho việc biên soạn từ điển. Các cuốn từ điển do ông biên soạn như: Từ điển Việt-Pháp (1989), Từ điển Hán-Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp-Việt (1993), Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000)... Tuy vậy hiện nay đang có nhiều nhà nghiên cứu đã cho công bố nhiều sai sót trong các quyển từ điển này.

  • Tác giả Huệ Thiên đã đăng trên Tạp chí Văn (bộ mới), số 6, tháng 9-2000 bài viết nhiều kỳ " Đọc lướt "Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân"[11].Bài viết đã phân tích những sai lầm cơ bản về giải thích từ và ngữ của Nguyễn Lân.

Sau đó Nguyễn Lân gửi thư cho Tạp chí Văn, tạp chí này đã đăng bức thư đó.[12]. Nội dung bức thư, Nguyễn Lân cho rằng mình tuổi già sức yếu nên có thể có những sai sót và cho rằng ông Huệ Thiên nhận xét sai lệch.

Tôi đã 95 tuổi, một mình soạn quyển từ điển dày 2111 trang ấy. Tất nhiên không thể hoàn hảo được nên trong bài Đôi lời tâm sự thay lời tựa tôi có ghi: Vì tuổi cao có thể có những sai sót, dám mong các độc giả dùng sách này vui lòng chỉ bảo cho.
— Tạp chí Văn, số 8-2000, tr. 100-1
Sau khi đọc bài «Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân» do ông Huệ Thiên viết, tôi rất ngạc nhiên trước những nhận xét sai lệch của ông ấy (...) Ông Huệ Thiên nêu lên đến 34 từ (thực ra là 33 – HT) để phê bình tôi, nhưng đại loại từ nào ông ấy cũng mắc sai lầm cả.»
— Tạp chí Văn,số 8-2000, tr. 100-1
  • Tác giả Lê Mạnh Chiến đã đăng trên tạp chí Thế giới Mới từ số 582 đến số 587 (26/4 đến 31/5/2004) với nhan đề là “170 sai lầm trong một cuốn từ điển", chỉ ra những sai lầm của Nguyễn Lân trong việc biên soạn từ điển.[13]

Tác giả Lê Mạnh Chiến đã phân tích nhà giáo Nguyễn Lân đã giải nghĩa các Từ tố không thỏa đáng; Giảng đúng nghĩa của các từ tố, nhưng giảng sai nghĩa của từ; Dựa theo cảm thức chủ quan để “sáng tác” nghĩa cho các từ tố; Không phân biệt được các từ gốc Hán đã Việt hoá và các từ “thuần Hán”; Giải thích sai lệch các từ ngữ liên quan đến lịch sử và văn hoá. Lê Mạnh Chiến cũng cho rằng nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân: hoàn toàn không đọc được chữ Hán nên không thể ghi các từ bằng chữ Hán được, nhưng ông vẫn muốn tỏ ra hiểu biết sâu sắc về mảng từ Hán Việt nên đã ra sức giải nghĩa từng từ tố. Vì thế, khi giải nghĩa các từ tố, ông ta chỉ có thể đoán mò dựa theo âm Hán-Việt hoặc bịa ra nghĩa cho các từ tố.[14]

  • Đặc biệt, vào năm 2017, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đã xuất bản cuốn sách Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu dày hơn 500 trang, trong đó liệt kê hàng trăm (có thể lên đến hàng nghìn) lỗi sai trong các từ điển của Nguyễn Lân, bao gồm:
    • Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam
    • Từ điển từ và ngữ Hán Việt
    • Từ điển từ và ngữ Việt Nam

Trong tác phẩm này, Hoàng Tuấn Công cũng đã chỉ ra những lỗi sai cơ bản mang tính hệ thống, thể hiện kiến thức nông cạn và thái độ làm việc ẩu tả, thiếu khoa học của Nguyễn Lân.

Mạo nhận học hàm Giáo sư và sự nhầm lẫn của truyền thông

Một bìa sách của Nguyễn Lân ghi Giáo sư-Nguyễn Lân
  • Lúc sinh thời, trong các tác phẩm của mình viết, Nguyễn Lân luôn đề tên ở bìa sách là Giáo sư Nguyễn Lân. Ví dụ những sách đã xuất bản như Từ điển chính tả phổ thông (1963); Từ điển Tiếng Việt (1967); Từ điển Pháp Việt (1981); Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989); Từ điển Việt Pháp (hợp soạn, 1989); Từ điển thành ngữ và tục ngữ (1989); Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp Việt (1994); Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2002)...đều đề tên là Giáo sư Nguyễn Lân. Tuy nhiên quyết định 162/CP về đợt phong học hàm Giáo sư đầu tiên ở Miền Bắc Việt Nam được ký ngày 11/9/1956 bởi cố thủ tướng Phạm Văn Đồng gồm 29 người không có tên của Nguyễn Lân và các đợt phong sau đó, các năm 1980, 1984, 1988, 1991,...đều không có tên của nhà giáo Nguyễn Lân.[3]
  • Ngày 10 tháng 12 năm 2013, Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân- Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỉ niệm 10 năm ngày mất của ông (2003- 2013)[15]. Hội thảo đã chưng pano đề tên: HỘI THẢO KHOA HỌC - NGND GS NGUYỄN LÂN.
  • Một số tờ báo ở Việt Nam khi viết bài về Nguyễn Lân đã gọi ông là Giáo sư Nguyễn Lân...[16][17][18]

Về việc xây lăng mộ cho ông Nguyễn Trường Tộ

Năm 1942, Nguyễn Lân đã gửi số tiền 133$00 [19] cho cố Laygue, linh mục địa phận Xã Đoài để xây lại mộ Nguyễn Trường Tộ[20][21]. Số tiền đó bao gồm, 110$00 là tiền bán 900 quyển " Nguyễn Trường Tộ" của ông, còn 23p là tiền của những người bạn ông góp vào. Ngôi mộ Nguyễn Trường Tộ hiện nay ở làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.Lăng mộ của Nguyễn Trường Tộ đề 2 câu thơ không ghi tên tác giả:

Nhất thất túc thành thiên cổ hậnCố đầu hồi thị bách niên cơ.

Dịch ra tiếng Việt có nghĩa là:

Một bước sa chân nghìn đời mang hậnQuay đầu nhìn lại, cơ đồ đã hóa trăm năm.

Trước đây bia lăng mộ cũ đã bị sứt mẻ mất chữ cuối cùng, khi là người đứng ra xây lại mộ, nhà giáo Nguyễn Lân đã không có ý kiến gì khi người xây mộ khắc hai câu thơ đó.[22]. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chữ cuối cùng là chữ "thân" mới đúng, vì đó là 2 câu thơ cổ của danh tướng Lý Lăng, đời Hán Vũ Đế, Trung Quốc:

Nhất thất túc thành thiên cổ hậnCố hồi đầu thị bách niên thân

Dịch ra tiếng Việt có nghĩa là:

Một lần sẩy chân, trở thành mối hận ngàn đờiQuay đầu nhìn lại, đã là cái thân trăm năm.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn Lân http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=... http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanhoa/savants... http://www.viet-studies.info/VachMatNhanVanGiaiPha... http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/nguoi-thay-c... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p120629399 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=409... http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/N... http://chieulang.com.vn/chieu-lang/nhan-vat/chi-ti... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://hnue.edu.vn/Tintuc/Sukien/tabid/261/Categor...